Thép trong nước tăng giá mạnh lần thứ 4 liên tiếp
Từ chiều 7/2, các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 200 đồng/kg - 410 đồng/kg (tùy từng sản phẩm và thương hiệu) so với ngày 31/01. Đây là đợt tăng giá thứ 4 liên tiếp tính từ đầu năm 2023 đến nay…
Giá thép tại miền Bắc
Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát sau 7 ngày bình ổn đã tăng giá bán, 2 sản phẩm của hãng tăng 310 đồng, bao gồm dòng thép cuộn CB240 lên mức 15.760 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.840 đồng/kg.
Thép Việt Ý cũng đồng loạt tăng 310 đồng, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.710 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 15.810 đồng/kg.
Thép Việt Sing thay đổi giá bán, 2 dòng sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 tăng 300 đồng lên mức 15.630 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 400 đồng, có giá 15.830 đồng/kg.
Thép VAS tăng 300 đồng, hiện dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đều lên mức giá 15.680 đồng/kg.
Thép Việt Nhật tăng 300 đồng, với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức giá mới 15.880 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức, với thép cuộn CB240 tăng 300 đồng lên mức 15.500 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.810 đồng/kg - tăng 310 đồng.
Giá thép tại miền Trung
Thép Hòa Phát đồng loạt tăng 310 đồng, với dòng thép cuộn CB240 lên mức 15.680 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.730 đồng/kg.
Thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 tăng 310 đồng lên mức 15.860 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 300 đồng có giá 15.850 đồng/kg.
Thép VAS tiếp tục bình ổn, với thép cuộn CB240 ở mức 15.680 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.580 đồng/kg.
Thép Pomina, hiện dòng thép cuộn CB240 tăng 300 đồng lên mức 16.520 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tăng 310 đồng có giá 16.580 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thép Hòa Phát tăng mạnh 410 đồng, với thép cuộn CB240 lên mức 15.830 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.880 đồng/kg.
Thép VAS tăng 300 đồng, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.580 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.680 đồng/kg.
Thép Tung Ho, với thép cuộn CB240 ở mức 15.530 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.480 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 tăng 300 đồng lên mức 16.470 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 310 đồng có giá 16.580 đồng/kg.
Giá vật liệu tăng cộng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp xây dựng
Không chỉ giá thép tăng mà các loại vật liệu xây dựng khác như cát, sỏi cũng tăng giá từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá cát đen để xây, trát dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/m3, tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/m3 so với dịp cuối năm 2022. Giá cát vàng dùng trong trộn bê tông dao động từ 580.000 - 650.000 đồng/m3, tăng khoảng 50.000 đồng/m3 so với dịp cuối năm 2022. Mặt hàng sỏi, đá dùng trong đổ bê tông dao động từ 480.000 - 550.000 đồng/m3, tăng khoảng 40.000 - 60.000 đồng/m3 so với cuối năm 2022…
Một số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở ngoại thành Hà Nội cho biết giá cát, sỏi tăng hay giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tính thời điểm. Việc vật liệu xây dựng tăng giá dịp đầu năm thì năm nào cũng diễn ra, do nhu cầu xây dựng trong dân tăng lên.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2023, ngoại trừ xi măng khó tăng giá, giá một số loại vật liệu xây dựng như: cát, sỏi, đá, thép, nhựa đường, đất… sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng tăng. Lý do, có thể có nhiều công trình, dự án bất động sản, đường giao thông, công trình hạ tầng… được khởi công xây dựng khiến nguồn cầu tăng.
Việc các loại vật liệu xây dựng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xây dựng. Trong năm 2022 đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhất là các đơn vị làm thuê rơi vào cảnh thua lỗ vì giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Trước diễn biến của giá vật liệu xây dựng ngày càng leo thang, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ lo ngại: giá thép xây dựng tăng chắc chắn tác động rất lớn đến giá thành xây dựng các công trình, tạo áp lực trực tiếp lên các nhà thầu xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư công trình không đồng ý đàm phán lại giá xây dựng, nguy cơ mất lãi, thậm chí là lỗ chắc chắn sẽ xảy ra.
Ông Hiệp cũng đánh giá, năm 2023 này tiếp tục sẽ là một năm khó khăn đối với ngành xây dựng. Thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng, ít dự án mới được khởi công làm nguồn việc làm giảm mạnh. Nhà thầu xây dựng đang gặp rủi ro cả về biến động giá cả lẫn mức độ cạnh tranh việc làm.
Nguồn tin: Công thương