Thép Indeco

Indeco Steel

Hotline: (028) 3854 9920

Chịu áp lực đầu vào, loạt thương hiệu lớn điều chỉnh tăng 150.000 đồng, nâng giá thép cao nhất lên 17,6 triệu đồng một tấn trong khi tiêu thụ giảm mạnh.

Từ 21/3, Hòa Phát nâng giá thép thanh vằn D10 CB300 thêm 150.000 đồng, lên 15,99 triệu đồng một tấn. Mức tăng tương tự cũng được các hãng thép Việt Ý, Việt Đức, Kyoei, Việt Mỹ áp dụng trong đợt này. Riêng Thép Thái Nguyên tăng giá cả loại cuộn CB240 thêm 100.000 đồng lên 15,86 triệu đồng một tấn.

Thậm chí, Pomina có giá cao hơn hẳn khi bán ra với giá 17,57 triệu đồng một tấn cho CB240 và 17,6 triệu đồng một tấn cho D10 CB300.

Như vậy, sau 6 đợt điều chỉnh liên tiếp từ đầu năm, mặt bằng giá thép hiện được đưa về giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái. Mức này cao hơn rất nhiều so với trung bình 12,5 triệu đồng một tấn trước đợt tăng nóng kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2022.

Lý giải nguyên nhân, các doanh nghiệp nói giá tăng do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi ở một số lò từ năm trước. Ngoài ra, các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ do nguồn cung ít. Nguyên liệu đầu vào tăng nhiều cũng khiến các nhà máy trong nước nâng giá bán để giảm lỗ.

Giá thép tăng trái chiều nhu cầu tiêu thụ. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, hai tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 430.000 tấn.

Diễn biến giá thép cũng trái hẳn kỳ vọng của các đại lý vật liệu xây dựng và nhà thầu. Từ đầu năm đến nay, các bên luôn trong tình trạng cân nhắc kỹ trước khi mua thép, nhiều nhà thầu nhỏ lẻ chuộng lấy ít hàng, chỉ đủ dùng trong giai đoạn ngắn để mong giá cả bình ổn trở lại. Việc giá thép đồng loạt tăng lần thứ 6 liên tiếp khiến các đơn vị phải cân đối lại suất đầu tư.

Thực trạng chung của nhiều nhà thầu xây dựng hiện nay là chịu lỗ khi thi công, nhất là với các hợp đồng đã ký từ trước và không dự phóng tốt giá thép cùng các vật liệu xây dựng khác. Ngược lại, nếu không tiếp tục thi công, họ vẫn chịu lỗ vì bị phạt chậm tiến độ, một số còn đối mặt nguy cơ không được nhận thanh toán phần đã xây dựng xong.

Dự báo thời gian tới, một số công ty chứng khoán vẫn duy trì quan điểm giá thép có thể tăng nhưng không mạnh khi nhu cầu nhìn chung ảm đạm. Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Mirea Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng với đặc tính sản lượng thép bán ra phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, việc ngành địa ốc trầm lắng trong năm nay sẽ kéo theo nhu cầu trong nước khó tăng trưởng. Đơn vị này dự phóng sản lượng thép nội địa năm 2023 giảm về mức gần 17,9 triệu tấn, giảm khoảng 10,5% so với cùng kỳ.

Thời gian qua, thị trường hứng khởi khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên theo quan điểm của MASVN, yếu tố này vẫn khó có khả năng kéo sự hồi phục của ngành thép bởi chính Trung Quốc vẫn đang trong cuộc khủng hoảng bất động sản.

Dẫu vậy, ngành thép vẫn có thể kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Ngân sách dành cho đầu tư công năm nay tăng cao nhất trong lịch sử, ước chi 704.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân mục tiêu từ Chính phủ là 95%.

Nguồn tin: VnExpress

Call Us
SMS
messenger
Zalo
Map